Tiểu sử Vĩnh_Tinh

Hoàng tử Vĩnh Tinh sinh vào giờ Thìn, ngày 7 tháng 2 (âm lịch) năm Càn Long thứ 17, ông là em ruột của Lý Đoan Thân vương Vĩnh Thành, Nghi Thận Thân vương Vĩnh Tuyền và Hoàng cửu tử, trong 4 anh em thì ông nhỏ tuổi nhất. Sinh mẫu của ông là Thục Gia Hoàng quý phi, một phi tần gốc Triều Tiên.

Ông từ nhỏ thông minh hiếu học, lại thích đọc sách nên được Càn Long Đế yêu thích. Ngoài ra, ông sớm rất giỏi thư pháp, được Hoàng tổ mẫu là Sùng Khánh Hoàng thái hậu tâm đắc, nên khi Thái hậu hấp hối đã di ban lại cho một án bút tích của thư pháp gia Lục Cơ (陆机) gọi là ["Bình phục thiếp"; 平复帖]. Sau đó, Vĩnh Tinh cũng đem chỗ thư phòng của mình gọi là Di Tấn trai (诒晋斋).

Tuy là Hoàng tử nhưng cuộc sống của ông rất giản dị. Mỗi sáng, ông chỉ ăn cháo loãng và uống trà nóng cầm hơi. Trang phục của ông và Phúc tấn được dệt từ vải sợi gai tầm thường. Đôi khi ông còn giản dị tới mức keo kiệt, bủn xỉn. Khi con ngựa của ông chết, ông lệnh cho gia nhân xẻ thịt để mà ăn dần. Càn Long Đế từng nhiều lần khiển trách, nhưng ông vẫn không thay đổi. Càn Long Đế do đó hay phê dụ bình luận về Vĩnh Tinh rằng: ["Thiên tính âm kĩ, chỉ giỏi suy tính quyền mưu. Quản chuyện nhà hà khắc, lại hay vô cớ sa thải Hộ vệ"; 天性陰忮、好以權術馭人。持家苛虐,護衛多以非罪斥革]. Dẫu vậy, tài năng về thi thơ họa phẩm của Vĩnh Tinh là chắc chắn hơn người, Càn Long Đế đối với ông tuy không hài lòng ở bản tính, nhưng lại rất thưởng thức tài hoa[1]. Ông từng được cử viết Thần công bi đặt ở Dụ lăng - lăng tẩm của Càn Long Đế.

Năm Càn Long thứ 54 (1789), Hoàng thập nhất tử Vĩnh Tinh cùng hai em trai khác mẹ là Vĩnh Diễm cùng Vĩnh Lân tham dự đợt phong tước vị cuối cùng thời Càn Long. Ông được gia ân tước hiệu là Hòa Thạc Thành Thân vương (和碩成親王). Năm sau (1790) chính thức phân phủ, một tòa phủ đệ nằm ở phía sau Hải Bắc ngạn (海北岸), phía Tây của Long Hoa tự (龍華寺), nguyên là phủ của Đại học sĩ Nạp Lan Minh Châu. Khi thụ phong tước, Vĩnh Tinh từng đảm nhiệm chức Đô thống của Mãn Châu Tương Lam kỳ, sau làm Lĩnh thị vệ Nội đại thần, rồi Tả Tông chính của Tông Nhân phủ.

Năm Gia Khánh thứ 4 (1799), Gia Khánh Đế mệnh ông vào hàng Quân cơ Đại thần, lệnh cho ông cùng anh trai là Nghi Thận Thân vương Vĩnh Tuyền điều tra và bắt giam Hòa Thân. Sau đó, ông được Gia Khánh Đế chia một số viên để ban thưởng làm nơi ở. Năm thứ 18 (1813), xảy ra khởi nghĩa Thiên Lý giáo, ông cùng cháu trai là Miên Ninh ở Tử Cấm Thành có công trấn áp, được Gia Khánh Đế ngợi khen, miễn đi hết các bản báo xử phạt trong thời gian này.